Hiện nay, Luật khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan không có định nghĩa cụ thể về người bị tự kỷ có phải là khuyết tật hay không và có được hưởng các chính sách như người khuyết tật? Tuy nhiên, theo như Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện thì trường hợp người có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về rối loạn phổ tự kỷ hoặc các loại bệnh hiếm thì có thể xem đây là một dạng khuyết tật khác.
Giáo dục hoà nhập đối với người khuyết tật là phương thức giáo dục chung người khuyết tật với người không khuyết tật trong cơ sở giáo dục (khoản 2 Điều 2 Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT quy định về giáo dục hoà nhập đối với người khuyết tật).
Việc thành lập trung tâm giáo dục trẻ tự kỷ ở đây sẽ được thực hiện theo quy định về việc thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Cụ thể như sau:
1. Điều kiện thành lập:
Việc thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập công lập, cho phép thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập tư thục phải phù hợp với quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(Điều 60 Nghị định 46/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 23 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
1.1. Thủ tục thành lập:
+ Thẩm quyền: Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập
– Hồ sơ gồm:
+ Văn bản đề nghị thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập;
+ Đề án thành lập trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập theo quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
1.2. Trình tự thực hiện:
+ Tổ chức, cá nhân gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Nội vụ để thẩm định.
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có tổ chức thẩm định. Nội dung thẩm định gồm: Sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, phạm vi, đối tượng, tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn; cơ cấu tổ chức; cơ chế tài chính của trung tâm; điều kiện bảo đảm hoạt động khi được thành lập; tính khả thi của việc thành lập trung tâm; dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm;
+ Đối với những vấn đề chưa rõ hoặc còn có ý kiến khác nhau thì Sở Nội vụ yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập có văn bản giải trình bổ sung làm rõ và báo cáo Sở Nội vụ;
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Sở Nội vụ có văn bản thẩm định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm; nếu không đồng ý thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.
(Điều 61 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
2. Điều kiện để trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập:
2.1. Điều kiện
– Có cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị và dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm người khuyết tật, gồm:
+ Trụ sở, phòng làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;
+ Phòng học, phòng chức năng tương ứng để thực hiện các hoạt động của trung tâm;
+ Khu nhà ở cho học sinh đối với trung tâm có người khuyết tật nội trú;
+ Phương tiện, thiết bị, công cụ sử dụng để đánh giá, can thiệp, dạy học, hướng nghiệp, dạy nghề;
+ Tài liệu chuyên môn, tài liệu hỗ trợ bảo đảm thực hiện các hoạt động của trung tâm.
– Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục có trình độ chuyên môn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật.
– Nội dung chương trình giáo dục và tài liệu bồi dưỡng, tư vấn phù hợp với các phương thức giáo dục người khuyết tật.
(khoản 2 Điều 62 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 25 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
2.2. Hồ sơ gồm:
Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trung tâm
2.3. Trình tự thực hiện:
– Trung tâm gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Giáo dục và Đào tạo;
– Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm tổ chức thẩm định các điều kiện hoạt động và quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do và hướng giải quyết.
(khoản 2 Điều 62 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
Trên đây là nội dung tư vấn được thực hiện bởi đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tại Công ty luật TÂN HÒA. Trường hợp có vướng mắc về pháp lý cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.